Năm 2015 sắp khép lại với nhiều biến động riêng với ngành giáo dục. Một trong những điểm nổi bật có thể nhìn thấy rõ là những lùm xùm quanh Kỳ thi THPT Quốc gia. Trong những lùm xùm ấy, một vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm và bàn thảo nhiều là khó khăn tuyển sinh dẫn đến nhiều trường không thể trụ vững.
Dư luận cũng băn khoăn nhiều về việc, Bộ Giáo dục có đang để các trường phải tự bơi khi tình trạng thiếu chỉ tiêu đầu vào tại một số trường sau xét tuyệt đợt 1 tăng cao.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đã có trao đổi với báo chí khi kết thúc họp báo công bố kết quả kiểm tra liên ngành về điều kiện cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành Y, Dược.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Chưa có bất cứ đề án sáp nhập hay giải thể nào với các trường trên cả nước mà đây mới chỉ là một chủ trương nhằm tăng tính liên kết giữa các trường, để các trường lớn có trách nhiệm với cả hệ thống.
Điển hình như gần đây, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thừa nhận trường CĐ Hà Nam là cơ sở của mình nên hỗ trợ tốt về giảng viên, chương trình, quy trình đào tạo, chất lượng đầu ra để tuyển sinh, cấp bằng. Như vậy, vừa không lãng phí về nguồn lực, vừa nâng được chất lượng. Chủ trương Bộ mới đặt ra nhưng đã có trường làm được thì đấy là xu hướng. Nếu kết quả thời gian tới tốt, Bộ sẽ nhân rộng”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói, Bộ Giáo dục tăng cường quản lý và kiểm soát các trường về chất lượng đào tạo. Ảnh D.Thu. |
Theo vị quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: “Phương hướng Bộ GD&ĐT kiểm soát chất lượng đào tạo các trường là phải trên nhiều cơ sở, trong đó có căn cứ vào số lượng việc làm cung ứng của ngành đào tạo đó sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, hoặc với những trường 3 năm không tuyển sinh được là phải xem xét lại.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường nào cũng thuộc Bộ Giáo dục quản lý mà nhiều trường thuộc Bộ, ngành địa phương quản lý. Do đó, cần phải làm việc với các Bộ, ngành địa phương đang trực tiếp quản lý trường. Nếu tiếp tục để trường phát triển phải có đầu tư về nhiều phương diện, ví dụ về cơ sở vật chất, giảng viên, quảng bá cho trường, xúc tiến việc làm cho các sinh viên của trường… từ đó mới có thể tuyển sinh được nếu như các Bộ, ngành địa phương vẫn tiếp tục muốn nuôi trường đó.
Đối với các trường tư thục, phải xem họ muốn hỗ trợ, giúp đỡ vấn đề gì để cho họ có thể “sống” được. Bởi chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Nếu như để họ “chết” nghĩa là chúng ta mất một nhà đầu tư, tỷ lệ xã hội hóa giảm. Tuy nhiên, bản thân nhà đầu tư vào giáo dục sẽ được quyền quyết định có duy trì trường đó hay không, Nhà nước không thể can thiệp vào việc giải thể hay sáp nhập với ai được. Bởi quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư đã được Hiến pháp quy định rõ”.
“Bộ sẽ quản lý ở phương diện như tôi đã nói ở trên, ví dụ 3 năm không tuyển sinh được thì phải đăng ký mở ngành lại… Như thế cũng là cách Bộ kiểm soát về điều kiện chất lượng của các trường trong việc đào tạo. Còn việc các trường có tồn tại hay không, Bộ Giáo dục không thể và không nên can thiệp. Một mặt là do chủ trương xã hội hóa, mặt khác là quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư như tôi đã nói ở trên. Nếu trường vẫn nuôi, duy trì để đến một lúc nào đó tuyển sinh thì là việc của họ”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Sau khi tổ chức một Kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều trường tuyển sinh gặp khó khăn. Đại diện Bộ Giáo dục cho biết: “Bộ đã có số liệu báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, quản lý vấn đề này không thuộc chức năng của chúng tôi mà là bên cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, nhiều trường lập ra rồi nhưng khó khăn khi tuyển sinh. Bộ Giáo dục có giải pháp hỗ trợ mang tính chất xuyên suốt để giải quyết triệt để vấn đề hay cứ để các trường tự bơi? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: “Thực ra bây giờ, có nhiều biện pháp. Nếu có một giải pháp riêng chắc cũng không thể giải quyết được tất cả. Ví dụ như, việc hỗ trợ các trường lớn đối với trường nhỏ, Thông tư 32 ban hành, các trường ĐH không tuyển hệ trung cấp nữa… Bởi, những năm vừa qua, các trường thuộc Bộ, ngành địa phương và các trường trung cấp cao đẳng tuyển sinh được ít là nhiều. Còn với các trường ĐH thì tỷ lệ tuyển sinh vẫn tương đối, vì người Việt Nam vẫn luôn chuộng bằng cấp”.
Dương Thu