Bên lề cuộc họp báo chiều 28/12, công bố kết luận kiểm tra liên ngành giữa hai bộ: Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Y tế về việc cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ (KD&CN) Hà Nội được tuyển sinh đào tạo hai ngành: Y đa khoa và Dược học vào năm 2016 (nếu bổ sung được những mặt còn thiếu sớm nhất trong thời gian tới), phóng viên báo Người Đưa Tin đã có phỏng vấn riêng với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT để làm rõ hơn câu chuyện mà dư luận xã hội thời gian qua cho là “không thể tin nổi”.
Phóng viên: Dư luận cho rằng, điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Theo đánh giá sau cuộc kiểm tra, mức điểm sàn và chỉ tiêu của ngành Y, Dược mà ĐH KD&CN tuyển sinh trong thời gian tới sẽ thế nào?
Quyền Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi hiểu, trường ĐH KD&CN đã muốn tuyển sinh ngay từ năm 2015. Họ đã tham khảo các trường khác những năm vừa rồi lấy điểm ngành Y, Dược là bao nhiêu. Vì thế, ĐH KD&CN đã có thông báo nhận hồ sơ từ 20 điểm trở lên và xét từ cao xuống. Mức 20 có thể nói là thấp nhấp của khối ngành này trong những năm gần đây.
Nếu nói về dự định thì chắc chắn, ĐH KD&CN không định lấy từ điểm sàn. Tôi nghĩ vậy, bởi nếu dự định lấy từ điểm sàn có nghĩa rằng, họ tự nói với xã hội mình là hạng bét. Họ đủ suy tính để không làm điều đó.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin chiều 28/12 về trường "Kinh Công" sẽ đào tạo ngành Y, Dược. Ảnh D.Thu. |
Cũng giống như tôi nói ở trên, nếu bây giờ có trường nào tuyên bố ngành Y Đa khoa lấy từ điểm sàn trở lên có nghĩa là tự xếp mình xuống hạng bét. Không ai đáng giá cao điều đó. Nếu chỉ chạy theo quy mô, chạy theo nguồn thu thì không phải là cách khẳng định mình trong hệ thống.
Trước đây, có dư luận nói một số trường Y, Dược lấy từ 14,15 điểm, nhưng khi Bộ Giáo dục yêu cầu tất cả các trường báo cáo thì con số báo cáo cho thấy, trường lấy thấp nhất ngành Y, Dược cũng là 20 điểm.
Riêng về chỉ tiêu thì theo quy định, đào tạo bao nhiêu phải dựa trên cơ sở luật, không thể "phán" về một con số đào tạo chính xác là 100 hay 200 chỉ tiêu. Riêng quan điểm cá nhân tôi, các trường mới tuyển sinh không nên mở rộng quy mô, chỉ nên đi từ số ít trở lên. Chỉ khi nào thực sự khẳng định được số lượng thì lúc đó mới mở rộng quy mô. Và với các trường, tôi cũng cho rằng, nếu như đủ tính toán sẽ làm như vậy.
Phóng viên: ĐH KD&CN là trường tư thục, nhiều năm qua chuyên đào tạo kỹ thuật, kinh doanh. Vậy, Bộ Giáo dục căn cứ vào đâu để dư luận có niềm tin với đội ngũ y bác sỹ được đào tạo theo kiểu “Kinh Công” trong tương lai?
Quyền Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế, toàn bộ đội ngũ y, bác sỹ hiện nay là được đào tạo từ khối trường công lập, khối tư thục mới tham gia đào tạo vài năm gần đây và chưa có sản phẩm nào ra trường.
Cái cảm giác của mỗi người là quyền riêng của mỗi người. Nhưng không nên phân biệt đối xử với các trường tư thục hay đa ngành vì họ là một phần trong hệ thống của chúng ta. Khi chúng ta muốn xã hội hóa giáo dục thì chúng ta không nên phân biệt công hay tư.
Tôi hiểu vì sao bây giờ xã hội có sự phân biệt như vậy. Nhưng về nguyên tắc, không nên có bất cứ sự phân biệt đối xử nào vì như thế là xúc phạm và ảnh hưởng tới sự nhìn nhận của xã hội đối với trường tư thục.
Cần xác định các trường có đủ điều kiện đào tạo hay không và như thế nào là đủ điều kiện. Bộ Giáo dục sẽ quản lý chặt về chất lượng đào tạo của tất cả các trường.
Phóng viên: Vậy xin bà cho biết, Bộ Giáo dục đã làm gì hoặc sẽ thúc đẩy biện pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo với khối ngành Y, Dược?
Quyền Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Nhiều người nói chất lượng chỗ này chỗ kia thấp nhưng ngược lại, ai là người thừa nhận chất lượng đó, ai cho các em điểm để lấy bằng? Bộ Giáo dục có quản thì cũng chỉ quản được cơ sở vật chất, máy móc, diện tích đất, số lượng thầy, bằng cấp của người thầy. Còn người thầy làm việc thực sự như thế nào, trước hết là yêu cầu của trường nhưng trong cốt lõi thì phải là cái tâm của người thầy.
Nếu sinh viên đạt điểm không tốt, thì dù học bao nhiêu năm, nhất định cũng không cấp bằng.
Tất cả những điều đó phải cộng hưởng với nhau mới làm nên câu chuyện chất lượng.
Cơ sở vật chất nhìn thấy rồi, diện tích sàn nhìn thấy rồi, đội ngũ thầy cô giáo nhìn thấy rồi, nhưng vấn đề là đến lúc dạy học, những người thầy nào dạy, dạy có tận tụy hay không, có đánh giá đúng mức năng lực sinh viên không, có cho điểm xứng đáng không? Các điểm đó hợp lại có tạo thành tấm bằng chất lượng hay không? Trong một lớp cùng ra trường nhưng chất lượng mỗi tấm bằng sẽ là khác nhau.
Đối với chất lượng đào tạo thì các thầy chính là người trực tiếp đánh giá, còn Bộ rất khó để quản lý.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Dương Thu (thực hiện)