Xà lách, rau mùi, kinh giới, giá đỗ, húng, tía tô…, rau sống là món ăn rất tốt cho sức khoẻ, cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng.
Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật. Tuy nhiên, một số người không nên dùng loại rau này.
Người bị ngộ độc không nên ăn rau sống. Ảnh minh họa. |
Người dễ bị ngộ độc thực phẩm
Các loại rau sống có tàn lưu các loại thuốc trừ sâu cùng các loại trứng, ấu trùng giun sán như: giun móc, giun đũa chó mèo, sán lá gan… đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người, gây các bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm đường tiêu hóa; giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thiếu vitamin A, B, C… làm người nhiễm bị suy nhược cơ thể.
Phụ nữ mang thai
Thực phẩm sống luôn chứa một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại chưa bị tiêu diệt, đó là những nguy cơ cực kỳ nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi .
Người bị viêm đại tràng
Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn qua ăn uống nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc.
Khi bị viêm đại tràng, người bệnh không nên ăn rau sống, vì nhiều loại rau sống có chứa chất xơ dạng không tan như cellulose, khi ăn vào dễ khiến thành ruột bị "cọ xát".
Người bị đau dạ dày
Người bị đau dạ dày không nên ăn loại thức ăn, nước uống kích thích niêm mạc dạ dày như các loại rau thơm, rau sống, nước sốt, rau quả có chứa nhiều xơ sợi, thức ăn chua, cay, không ăn nhiều dưa, cà muối, các loại xúc xích, dăm bông, các loại thịt dai, có gân, sụn.
Người bị đau dạ dày không nên ăn rau sống. Ảnh minh họa. |
Người dễ bị cảm cúm
Rau sống có chức năng kích thích ăn uống và thúc đẩy tiêu hóa, tuy nhiên, những người dễ bị cảm cúm tuyệt đối không nên ăn rau sống.
Mặc dù vậy, với những người thể trạng tốt, sức khỏe ổn định, ít bị cảm thì lại có thể dùng rau sống để điều trị cảm cúm.
Ngọc Anh